.
Công ty TNHH Xuất Nhập Khẩu Davigo 281 Nguyễn Đình Chiểu, P.Hàm Tiến, Phan Thiết, BT

Tin Tức

Logistics Là Nghề Gì? Chia Sẻ Trải Nghiệm Thực Tế Về Nghề Logistics

Với trải nghiệm 1 năm cho vị trí chứng từ kiêm sale thì đã giúp cho mình hiểu được cặn kẽ quy trình của chuỗi cung ứng hàng hóa và những kinh nghiệm thực tế khác trong lĩnh vực xuất nhập khẩu.

14/11/2022
166

Logistics là nghề chính thức đầu tiên sau khi mình nghỉ việc kỹ sư đóng tàu tại nhà máy đóng tàu Hyundai Vinashin. Chính thức rẽ hướng từ kỹ thuật sang kinh doanh.

Về lý do chọn nghề Logistics thì đơn giản có 2 lý do:

Lúc đó mình định hướng khởi nghiệp theo con đường xuất nhập khẩu nên chọn Logistics như là một cơ hội để tích lũy kiến thức và kinh nghiệm

Mình có cơ duyên quen biết một anh giám đốc của một ty về Logistics nên được ảnh kéo về để học việc cũng như phụ ảnh khi nhân sự của công ty đang có biến động

Logistics là nghề gì

Với trải nghiệm 1 năm cho vị trí chứng từ kiêm sale thì đã giúp cho mình hiểu được cặn kẽ quy trình của chuỗi cung ứng hàng hóa và những kinh nghiệm thực tế khác trong lĩnh vực xuất nhập khẩu.

Chính những trải nghiệm quý giá đó đã giúp mình đi nhanh hơn và tự tin hơn khi bước sang lĩnh vực kinh doanh trên Amazon hiện tại.

Vì vậy hôm nay mình muốn chia sẻ những trải nghiệm thực tế của bản thân tới các bạn đang có nhu cầu quan tâm và có ý định chuyển sang nghề Logistics này. Qua đó giúp các bạn hiểu hơn về nghề Logistics và cũng như đưa ra được định hướng cho bản thân.

I. Logistics Là Nghề Gì?

Mình sẽ không dùng những cái định nghĩa đầy học thuyết để trả lời câu hỏi này cho các bạn. Thay vào đó mình dùng một cách diễn giải thực tế, có thể gọi là “xôi thịt” để định nghĩa nghề Logistics.

Theo cá nhân mình, Logistics là nghề sẽ thực hiện một chuỗi các công việc nhằm giúp cho hàng hóa lưu thông từ nơi này đến nơi khác, từ nước này đến nước khác một cách nhanh chóng, hiệu quả, an toàn và đúng quy định của pháp luật.

 

Chính vì Logistics là một chuỗi các công việc nên nghề Logistics cũng chỉ là tên gọi chung cho rất nhiều các vị trí công việc khác nhau. Phổ biến nhất có thể kể đến như: Sale, Documents, Chứng Từ, Hiện Trường, Kho….

Những công ty hoạt động trong lĩnh vực Logistics thường được gọi tên là Forwarder hay lớn hơn thì là Consolidator.

Mình sẽ có một bài chia sẻ khác để phân biệt sự khác nhau của các loại hình công ty này trong thời gian tới.

Dưới đây mình sẽ chia sẻ cụ thể hơn về đặc điểm công việc và tính chất của các vị trí công việc trong lĩnh vực Logistics mà vừa liệt kê ở trên.

II. Các Vị Trí Công Việc Trong Lĩnh Vực Logistics

1. Vị trí Sale

Có lẽ không cần phải giải thích quá nhiều về vị trí này khi cái tên của vị trí này đã nói lên tất cả.

Vị trí sale logistics là vị trí có nhiệm vụ đi tìm kiếm những khách hàng mới, có nhu cầu sử dụng các dịch vụ về logistics.

Vị trí này thường có sự biến động ra – vào công ty khá cao nhất là với những bạn mới. Bởi lẽ sau khoảng 3 tháng đến 6 tháng mà không tìm được khách hàng thì thường sẽ nản và tìm cơ hội ở những công ty khác.

Lương của vị trí này sẽ luôn gồm 2 phần: lương cơ bản và phần trăm doanh thu (hoặc lợi nhuận) từ những dịch vụ mà khách hàng sử dụng.

Đây cũng là vị trí dễ đem khách hàng của công ty đi sang công ty khác. Có lẽ vậy mà đây cũng là vị trí hay được tuyển dụng của nhiều công ty forwarder.

 

2. Vị trí Documents

Ở một số công ty, vị trí này còn được gọi tên khác là customer service (CS). Đây cũng là công việc cụ thể mình khi bước chân vào lĩnh vực Logistics bên cạnh kiêm thêm vị trí sale.

Vị trí này sẽ cũng với sale để chăm sóc khách hàng và theo dõi, xử lý (handle) các vấn đề cho những lô hàng xuất hay nhập của khách hàng. Nhằm đảm bảo hàng hóa được giao nhận đúng kế hoạch, đúng thủ tục và hạn chế phát sinh chi phí.

Các công việc chính của vị trí này như: liên hệ agent nước ngoài hoặc hãng tàu để lấy lịch tàu, đặt booking, làm bill of lading, khai Manifest, làm việc các bên liên quan để chuẩn bị các chứng từ cần thiết như Invoice, Packing list, CO, Fumigation, Phytosanitary và đặc biệt là theo dõi và xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện lô hàng.

Đây là vị trí hiểu được tổng quan toàn bộ quy trình của một lô hàng xuất hay nhập, qua đó cũng là vị trí mà mình đánh giá là học được nhiều kiến thức nhất và sẽ là tiền đề cũng như bổ trợ rất tốt nếu có ý định chuyển sang vị trí sale.

Lương của vị trí này đa phần chỉ là lương cố định. Tuy nhiên ở một số công ty lớn về Logistics, việc handle tốt những lô hàng được chỉ định sẽ có thêm hoa hồng.

Bên cạnh đó vị trí này cũng thường xuyên đối mặt với nguy cơ dùng tiền túi để đền cho khác do làm sai hoặc kiểm tra thiếu nội dung chứng từ dẫn đến phát sinh chi phí cho lô hàng. Đặc biệt là những chi phí liên quan tới thuế xuất – nhập khẩu.

Như chính bản thân mình cũng từng phải bỏ tiền túi cho hải quan để xử lý một lỗi liên quan tới nội dung trên chứng từ nhằm đảm bảo giao hàng đúng thời gian cho khách.

Tuy nhiên nếu gặp sự cố lớn, chi phí phát sinh cao thì các bạn nên trao đổi với quản lý để được công ty hỗ trợ. Vì mặc dù là lỗi là do mình nhưng đây là rủi ro trong kinh doanh mà doanh nghiệp Forwarder phải đối mặt.

Việc công ty san sẻ rủi ro với nhân viên là điều cần thiết và hiển nhiên.

Bởi vậy anh em trong nghành Logistics thường nói đùa với nhau là: lương thì tính theo VND nhưng đền tiền thì tính theo USD.

3. Vị trí chứng từ

Đây là vị trí liên quan tới việc lên tờ khai hải quan xuất – nhập cho lô hàng cũng như tiến hành làm các chứng từ khác.

Bên cạnh đó, vị trí này thường xuyên phải hỗ trợ cho sale trong việc xác định HS code cho sản phẩm và cập nhật quy trình, thủ tục để xuất hay nhập một mặt hàng nào đó.

Gần tương tự như vị trí Documents thì vị trí này cũng hay đối mặt với việc làm sai và phải đền bù bằng tiền túi.

Về mức lương thì như tại công ty cũ mình làm là công ty Winway Logistics thì vị trí chứng từ sẽ nhận lương cứng và hoa hồng (mức cố định) thường khoảng 10,000 – 20,000 VND cho mỗi tờ khai hải quan.

4. Vị trí hiện trường

Đây là vị trí ít có mặt ở văn phòng mà thường xuyên phải làm việc ở cảng hoặc sân bay.

Công việc của vị trí này là trực tiếp làm việc với hải quan ở cảng hoặc sân bay để nộp hồ sơ hay làm thủ tục kiểm hóa cũng như tranh luận với hải quan để giúp cho lô hàng nhanh chóng hoàn tất đầy đủ giấy tờ để thông quan.

 

Ngoài ra, vị trí này cũng có thể sẽ hỗ trợ cho vị trí documents để đi lấy seal hay DO (Delivery Order) và các chứng từ khác.

Lương của vị trí này cũng gồm 2 phần là lương cứng và hoa hồng (mức cố định) cho mỗi lô hàng được phụ trách.

Ngoài những vị trí kể trên trong ngành Logistics thì sẽ còn các vị trí khác, tùy thuộc vào cơ cấu và quy mô của công ty đó như là: vị trí lấy giá cước, vị trí điều động xe container, vị trí kho….

III. Lương Của Nghề Logistics

Như mình đã giới thiệu sơ bộ ở phân trên thì lương của nghề Logistics đa số ở các vị trí sẽ là lương cứng và hoa hồng.

Trong đó, vị trí sale sẽ thường có có lương cứng thấp hơn các vị trí khác nhưng bù lại phần trăm hoa hồng sẽ cao hơn nhiều và thu nhập có thể không giới hạn nếu có được nhiều khách hàng.

Với những bạn sale mới thì lương cơ bản vào khoảng 6,000,000 – 7,000,000 VND. Còn những bạn có kinh nghiệm thì khoảng 8,000,000 – 10,000,000 VND. Phần hoa hồng thường từ 10% – 15% lợi nhuận của lô hàng.

Những vị trí khác thì sẽ có mức lương cơ bản khoảng 9,000,000 – 12,000,000 VND. Nếu làm lâu năm và có nhiều kinh nghiệm thì có thể lên mức 15,000,000. Phần hoa hồng thì tùy vào chính sách mỗi công ty nhưng sẽ không thể cao như vị trí sale.

Một số người mình quen biết ở những vị trí này chia sẻ là nếu muốn thu nhập cao thì phải handle nhiều lô hàng và phải làm cả thứ 7, Chúa Nhật. Nói chung là lấy số lượng để cải thiện thu nhập.

Ngoài phần lương kể trên thì tất nhiên là luôn có phần “lậu”. Phần lậu này đến từ việc giải quyết các sự cố cho khách hàng.

Tuy nhiên để có được phần “lậu” thì đòi hỏi bạn phải có rất nhiều kiến thức, kinh nghiệm và mối quan hệ với hải quan.

Và phần “lậu” này thì là vô định. Có thể từ vài trăm nghìn cho tới vài chục triệu.

IV. Định Hướng Phát Triển Của Nghề Logistics

1. Trở thành trưởng bộ phận

Theo cá nhân mình thấy thì định hướng chung là trở thành trưởng phòng của những bộ phận mà bạn đang là nhân viên. Việc trở thành trưởng bộ phận sẽ luôn đi kèm với mức lương và thu nhập cao hơn nhiều so với vị trí nhân viên.

2. Tự mở công ty Forwarder

Một hướng khác đó là kéo khách hàng đi và tự mở một công ty Forwarder. Hướng phát triển này thường xảy ra với vị trí sale hoặc chứng từ do những vị trí này thường làm việc trực tiếp và có mối quan hệ với khách hàng.

Do đó, khi họ mở công ty riêng thì cũng sẽ ngay lập tức có được nguồn khách hàng cho công ty.

Bởi vậy, khá nhiều người hay nói đùa là công ty Forwarder bây giờ mọc lên như nấm sau mưa.

3. Vào làm cho các doanh nghiệp

Ngoài ra còn một hướng đi khác là xin làm bộ phận mua hàng hoặc logistics của các doanh nghiệp.

Việc vào làm trong các doanh nghiệp thường sẽ ít áp lực hơn do doanh nghiệp không kinh doanh quá nhiều mặt hàng nên việc chuyên một mặt hàng nào đó của doanh nghiệp sẽ giúp bạn ít sai sót hơn.

Bên cạnh đó, doanh thu của doanh nghiệp cũng có thể coi là tốt hơn và đi kèm là các chế độ phúc lợi thường sẽ tốt hơn các công ty Forwarder.

4. Mở công ty thương mại

Và hướng phát triển nữa là thành lập công ty thương mại để tự xuất và nhập hàng. Hướng phát triển này xuất phát từ việc khi làm cho các công ty Forwarder bạn sẽ hiểu được các mặt hàng nào đang được xuất – nhập nhiều, nguồn hàng ở đâu, giá cả ra sao….

Cộng thêm kiến thức và kinh nghiệm từ Forwarder, bạn có thể tự thành lập và vận hành một doanh nghiệp thương mại cho riêng bản thân.

Tất nhiên hướng đi này không phải là dễ và đòi hỏi bạn phải duyên và khả năng kinh doanh.

V. Nghề Logistics Thì Nên Học Trường Nào?

Hiện nay hầu hết các trường đại học và cao đẳng đều có mở nhóm ngành liên quan tới nghề Logistics.

Những nhóm nghành này thường được gọi chung với cái tên như là “Kinh Doanh Quốc Tế”, “Logistcis và Quản Trị Chuỗi Cung Ứng”, “Kinh Tế Vận Tải Biển”

Nhưng theo cá nhân mình thấy thì chỉ cần học những nhóm ngành có liên quan tới kinh tế thì đều có thể xin vào làm ở các công ty Forwarder.

Như chính bản thân mình, là một kỹ sư đóng tàu, chỉ sau 3 tháng là mình đã có thể tự handle các công việc của bộ phận Documents.

Còn về trường nào đào tạo tốt ngành Logistics thì mình nghĩ giáo trình giữa các trường cũng sẽ là tương đương nhau mà thôi. Công thêm việc hiện nay thông tin rất phổ biến và dễ dàng tiếp cận nên quan trọng là khả năng tư duy của các bạn như thế nào sẽ quyết định các bạn có làm tốt công việc được giao hay không mà thôi.

Còn về phần doanh nghiệp, cũng không còn nhiều công ty quá đặt nặng vấn đề bạn phải tốt nghiệp trường nào.

Tuy nhiên, mình cũng xin liệt kê vài trường đại học có đào tạo ngành này để các bạn tham khảo như: Kinh Tế, Kinh Tế Tài Chính, Ngoại Thương, GTVT Tp. HCM, Tài Chính Marketing, Tôn Đức Thắng.

Còn về trường cao đẳng thì là Kinh Tế Đối Ngoại. Trước đây còn có trường cao đẳng Tài Chính Hải Quan nhưng hình như hiện tại đã được sáp nhập vào trường đại học nào rồi.

 

Sản phẩm nổi bật
Davigo Import Export Co.,Ltd
Gỗ Thông Xẻ
Davigo Import Export Co.,Ltd
Pallet Gỗ 1
Davigo Import Export Co.,Ltd
Ván Bóc
Davigo Import Export Co.,Ltd
Thùng gỗ Pallet
tin tức mới nhất
Davigo Import Export Co.,Ltd
Mách bạn cách bảo quản vật liệu gỗ để có thời gian sử dụng lâu Muốn công trình của bạn đạt hiệu quả tốt, đầu tiên, bạn cần phải biết cách bảo quản vật liệu. Việc bảo quản chúng giúp kéo dài thời hạn sử dụng và mang lại sản phẩm có tính thẩm mỹ cao. Vậy cách bảo quản vật liệu gỗ như thế nào để có chất lượng bền bỉ và thời gian sử dụng dài lâu? Hãy cùng tìm hiểu về vấn đề này qua bài viết sau.
Davigo Import Export Co.,Ltd
Logistics Là Nghề Gì? Chia Sẻ Trải Nghiệm Thực Tế Về Nghề Logistics Với trải nghiệm 1 năm cho vị trí chứng từ kiêm sale thì đã giúp cho mình hiểu được cặn kẽ quy trình của chuỗi cung ứng hàng hóa và những kinh nghiệm thực tế khác trong lĩnh vực xuất nhập khẩu.
Davigo Import Export Co.,Ltd
Kinh Nghiệm Lựa Chọn Mặt Hàng Xuất Khẩu Gỗ Tiếp tục chuỗi bài viết chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp ngành xuất khẩu, bài viết này sẽ là những kinh nghiệm thực tế của mình khi nghiên cứu tìm hiểu mặt hàng xuất khẩu gỗ. Trong số các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, thì gỗ và các sản phẩm về gỗ cũng thuộc nhóm các mặt hàng chủ lực.
Davigo Import Export Co.,Ltd
FOB Là Gì-Tổng Hợp Các Thông Tin Từ A đến Z về FOB Hiện nay việc trao đổi mua bán hàng hoá đang diễn ra thường xuyên giữa các nước trở nên phổ biến. Thế giới cũng đưa ra những bộ luật hay các chính sách liên quan đến việc mua và bán này, với mục đích tạo nên nhiều điều kiện thuận lợi nhất cho cả những nhà kinh doanh hay xuất nhập khẩu đẩy mạnh cán cân xuất nhập khẩu. Tuy nhiên không phải người trong ngành thì chưa chắc đã nẵm rõ về FOB là gì cũng như các kiến thức liên quan. Vậy bài viết này sẽ giải đáp một số thắc mắc bạn nhé!